Gia Đình Là Gì?
Lm. Trọng Thưởng, CMC
Một bà mẹ nhìn thấy quần cậu con trai bị rách nên trách móc:
- Quần con lại thủng một lỗ nữa!
- Tại quần mục má ơi!
- Ồ, ông nội con mặc nó đã bảy năm, rồi cha con xài thêm hai năm
nữa, mà có ai chê nó mục đâu!
Truyền thống của gia đình Việt Nam có ảnh hưởng trên không những quần áo như cái quần “gia truyền” ấy, mà còn trên cách suy nghĩ và lối sống của mỗi cá nhân. Chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu từ căn bản, định nghĩa gia đình là gì, để trên nền tảng đó xây dựng những suy tư hiểu biết của chúng ta về đời sống gia đình.
I. Kinh Thánh
1/ Cựu Ước
Thánh Kinh thuật lại rằng Thiên Chúa dựng nên con người để sống trong gia đình. Ngài dựng nên Ađam và nói rằng: “Đàn ông ở một mình không tốt! ta sẽ dựng nên cho nó một người bạn thích hợp.” (Gn 2:18) Thiên Chúa đã đem đến trước mặt Ađam mọi loại cầm thú, chim trời cho ông đặt tên, nhưng không có con vật nào là người bạn tương xứng cho ông. Sau đó Chúa khiến cho Ađam ngủ thật say, rồi lấy một xương sườn của ông và dựng nên Evà. Khi tỉnh dậy, Ađam nhìn thấy Evà, nói lên rằng: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi; người này sẽ được gọi là đàn bà, vì từ đàn ông, bà được dựng nên.” (Gn 2:23) Vì đó người đàn ông lìa bỏ cha mẹ và luyến ái vợ mình, và cả hai trở nên một thân thể. (Gn 2:24)
Câu chuyện xảy ra trong một lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu. Cô giáo hỏi các em:
- Em nào có thể kể cho cả lớp nghe chuyện Thiên Chúa dựng nên con người?
Bé Mai nhanh nhẩu dơ tay liền và nói:
- Thưa cô, đầu tiên Chúa dựng nên ông Adong. Sau đó Chúa nhìn Adong từ đầu đến chân rồi nói: “À! Ta có thể làm khá hơn như vầy!” Và Chúa đã dựng nên Evà.
Khi Ađam được dựng nên sống một mình trong vườn Địa Đàng, ông cảm thấy cô đơn, trơ trọi. Địa Đàng có thể là nơi tuyệt vời sung sướng, không có đau khổ, khó khăn, nhưng không làm cho cuộc sống của Ađam được trọn vẹn. Có cái gì đó trong Ađam cảm thấy bưng bít, trói buộc không thoát được ra ngoài, hay nếu có thoát ra chỉ đi vào khoảng không vô định như gởi gấm tâm sự nơi loài cỏ cây vô tri giác. Ađam cảm thấy cuộc sống chới với, bất an như ở trong cõi hư không, trống rỗng. Đó là tâm trạng cô đơn của con người không có nơi để nương tựa tinh thần.
Ađam chưa được hạnh phúc trọn vẹn vì Thiên Chúa chưa hoàn tất công trình tạo dựng con người. Khi người ta xây một căn nhà, công trình xây cất không hoàn tất khi chưa làm mái nhà, hoặc có mái nhưng lại chưa xây tường chung quanh. Căn nhà đó còn dang dở và điều đó “không tốt”. Đó là ý nghĩa lời Chúa nói về tình trạng của Ađam lúc đó: “Đàn ông ở một mình không tốt.” Chương trình của Thiên Chúa là dựng nên con người có nam có nữ để hai người liên kết với nhau trong hôn nhân và sinh sản con cái. Đây là tư tưởng chính gây ảnh hưởng lớn trên lối sống và cách suy nghĩ của những người theo đạo Do Thái. Người ta coi trọng đời sống hôn nhân. Các thày tư tế, các thày thông giáo đều có gia đình. Đời sống gia đình là chương trình do Thiên Chúa thiết lập để con người được sinh ra, lớn lên trong một hoàn cảnh yêu thương, xứng hợp với nhân bản. Và gia đình là nơi duy nhất xứng hợp để con người được sinh ra và phát triển trong thể lý cũng như tâm lý. Do đó mọi hành vi tính dục chỉ có ý nghĩa và xứng hợp trong hôn nhân. Làm khác đi là trái ngược với chương trình Thiên Chúa đã xếp đặt và gây xáo trộn trong đời sống cá nhân và xã hội. Suy xét cho cùng, rất nhiều tệ đoan trong xã hội ngày nay như nạn phá thai, mãi dâm ở tuổi vị thành niên, trẻ mồ côi lang thang trên đường phố, nghiện ngập hút sách, băng đảng... đã có thể giảm bớt phần lớn nếu con người biết tôn trọng vẻ cao quí của đời sống gia đình.
Trước khi Ađam và Evà phạm tội, cuộc sống gia đình thật hạnh phúc vì mọi tạo vật đều sống trong trật tự hoà hợp với nhau phản chiếu vẻ tốt lành nguyên thủy của công trình tạo dựng do tay Thiên Chúa. Ngài đã ban cho con người tự do trong giới hạn của một thụ tạo. Con người có thể ăn hết mọi thứ trái cây kể cả cây kết trái sự sống, chỉ trừ một cây có trái biết lành biết dữ Chúa cấm không được ăn. Biết lành biết dữ là điều vượt xa khả năng con người. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng thông biết mọi sự và tốt lành vô cùng mới có quyền xác định điều lành điều dữ. Con người được ăn hết mọi trái cây trong vườn trừ ra có một cây; đây là hình ảnh tượng trưng cho sự tự do rộng lớn của con người tuy rằng có giới hạn. Cây trái cấm là bài thi cho sự tự do của Ađam và Evà. Ông bà có quyền tự do ăn mọi thứ trái cây, và tránh xa cây trái cấm, để được sống hạnh phúc vui vẻ trong vườn Địa Đàng. Ông bà cũng có tự do để ăn trái cấm, chống lại lời Chúa truyền dạy, mang lấy hậu quả của việc ăn trái biết lành biết dữ: để cho sự dữ và sự lành lẫn lộn trong ý muốn, rồi sự dữ hầu như thắng thế. Ađam và Evà đã trượt bài thi vì tin vào lời con rắn ma ranh hơn tin lời Thiên Chúa.
Gia đình được hạnh phúc nếu Ađam và Evà không phạm tội. Điều đó đã không xảy ra, vì thế gia đình đã phải gánh chịu hậu quả của tội lỗi. Chúa đã ra hình phạt cho người nữ: “Ngươi sẽ phải mang nặng đẻ đau; ngươi sẽ sinh con trong quằn quại đau đớn. Người chồng sẽ là điều ngươi ước muốn, và ông sẽ là chủ ngươi.” (Gn 3:16) Chúa đã luận phạt Ađam: “Đất sẽ bị chúc dữ vì ngươi! Hết mọi ngày trong đời, ngươi sẽ phải lao nhọc vất vả đổ mồ hôi mới thu lượm được kết quả từ đất đai. Đất sẽ trổ sinh gai góc trong khi ngươi ăn cây cỏ ngoài đồng. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có lương thực để ăn, cho đến ngày ngươi trở về lòng đất, từ nơi đó ngươi đã được dựng nên; ngươi là bụi đất và sẽ trở về đất bụi.” (Gn 3:17-19) Thiên Chúa đã luận phạt Ađam, Evà như người chồng người vợ, không phải như hai người xa lạ. Tội lỗi đã làm đảo lộn trật tự trong mối liên hệ giữa hai vợ chồng với nhau và giữa con người với vũ trụ. Thiên Chúa đã dựng nên Evà cho Ađam để làm người bạn xứng hợp, tức là hai người bình đẳng; người nữ có thể điều khiển ước muốn của mình cách tự do. Vì tội lỗi phá đám, ước muốn của người vợ bị trói buộc nơi người chồng; chồng trở nên chủ và vợ phải làm tôi tớ hầu hạ chồng. Trước khi phạm tội, Ađam mỗi ngày tà tà đuổi bướm, hái hoa, khi đói chỉ việc hái trái cây ăn rồi nhảy ùm xuống suối tắm thoải mái. Sau khi phạm tội thì không còn chuyện đó nữa, vì Ađam và Evà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng để sống kiếp bị đoạ phạt do tội lỗi.
Cảnh rối loạn do tội lỗi gây nên nơi gia đình gia tăng mức độ trầm trọng. Đời sống gia đình của Ađam, Evà đã chất chứa đau khổ về phần xác lại thêm dằn vặt về tinh thần vì hai người con trai do ông bà sinh ra. Anh là Cain, vì lòng ganh tỵ với Abel là em, đã nhẫn tâm giết chết em mình. Mầm mống của tội nguyên tổ đã sinh hoa kết trái sự dữ nơi Cain để hắn bất chấp tình nghĩa anh em, bất chấp lề luật Thiên Chúa ghi khắc nơi lương tâm. Gia đình nguyên tổ đã đánh mất ý nghĩa nguyên thủy khi Thiên Chúa dựng nên con người. Gia đình được tiền định làm khung cảnh yêu thương để con người được sinh ra và lớn lên, đã trở nên nơi hủy diệt sinh mạng.
2/ Tân Ước
Bước vào Tân Ước, chúng ta có cảm nghiệm mới về gia đình, đặc biệt là Thánh Gia. Thánh sử Luca đã giới thiệu Đức Maria với hình ảnh một trinh nữ đã đính hôn với một người nam tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đavít. Thiên thần đã đến với Đức Maria để thông báo sứ điệp của Thiên Chúa: “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai; trinh nữ sẽ đặt tên Người là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, và Thiên Chúa sẽ ban cho người ngôi báu Đavít tổ phụ Người, và Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.” Sứ điệp này quả là một “tin sét đánh ngang tai”, quá bất ngờ cho Đức Maria. Rất may mà Mẹ đã không bị đau tim lăn quay ra xỉu. Mẹ đã nói lên mối quan tâm lớn trong lòng: “Việc ấy xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Câu nói này được hiểu rằng Mẹ đã có ý định giữ mình đồng trinh, mặc dù đã đính hôn. Trong khi bao thiếu nữ cùng tuổi thời ấy nô nức kết hôn để được làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã “trúng số” nhưng lại chỉ quan tâm đến đức đồng trinh, giữ mình trọn vẹn dành cho một mình Thiên Chúa. Mẹ đã tỏ ý thà không làm mẹ Đấng Cứu Thế hơn đánh mất đức đồng trinh. Thiên thần đã giải quyết thoả đáng mối quan tâm của Mẹ: “Chúa Thánh Thần sẽ đến trên trinh nữ, và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế người con trinh nữ sinh ra sẽ được gọi là thánh, Con Thiên Chúa... Vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được.” Thiên thần cho biết Mẹ thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Quyền năng của Thiên Chúa bao trùm trên Mẹ như một khu vườn khép kín, không một thụ tạo nào có thể chen vào. Mẹ đã tin lời của Thiên Chúa qua sứ thần, và đã chọn lựa vâng phục Thiên Chúa. (Lk 1:26-38) Đây là sự chọn lựa ơn phúc của “Evà mới” sửa chữa lại chọn lựa sai lầm của Evà cũ, tin lời con rắn hơn Thiên Chúa.
Thánh sử Mátthêu mô tả thánh Giuse là người công chính. Thánh Giuse đã nhận ra Mẹ có thai, nhưng không biết là có liên quan đến Chúa Thánh Thần, lại biết rõ mình không phải là tác giả, và không muốn tố cáo gây nguy hại đến Đức Maria. Thánh nhân ở trong một hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan nên đã chọn một giải pháp là “chuồn êm”. Thiên Chúa đã phải can thiệp, sai thiên thần báo mộng cho thánh Giuse biết sự việc và truyền cho thánh nhân đón nhận Đức Maria làm vợ. Thánh Giuse đã giải toả được “bầu tâm sự” nên gật đầu cái rụp. Thánh Giuse và Đức Maria đã vâng phục Thiên Chúa để công tác vào chương trình cứu độ, để nhờ cặp vợ chồng thánh này Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người.
3/ So Sánh
Nếu đối chiếu gia đình nguyên tổ với thánh gia, chúng ta thấy có nhiều đối nghịch. Ông bà nguyên tổ đã tin lời con rắn và chống lại lời của Thiên Chúa, ngược lại Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse đã tự tình vâng phục Thiên Chúa cho dù sự việc xảy ra coi như vô lý. Hai nguyên tổ đã đổ lỗi cho nhau sau khi phạm tội, coi nhau như căn nguyên đưa đến tội lỗi. Đức Mẹ và Thánh Giúse đã kính trọng, tin tưởng nhau cho dù sự việc bên ngoài có vẻ khó giải thích. Evà đã sinh ra con cái như mầm mống của tội lỗi. Đức Maria đã sinh ra Con Người cũng là Con Thiên Chúa, nguồn gốc sự thánh thiện. Gia đình nguyên tổ có thể đã có tình yêu, nhưng không có ơn thánh. Thánh gia có cả tình yêu và ơn thánh. Vì thế điều quan trọng trong gia đình luôn là yếu tố thánh thiện. Người cha, người mẹ luôn phải biết đặt Thiên Chúa trên hết trong đời sống gia đình. Các tổ phụ như Abraham, Isaac, Giacóp... đều được kể là những người công chính, tức là những người có lòng kính sợ Thiên Chúa, suy tôn Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Căn gốc chính làm băng hoại cho gia đình ngày nay là nguội lạnh trong đời sống đức tin. Cha mẹ không lo phụng thờ Thiên Chúa vì chỉ chăm lo phụng thờ tiền của. Họ không có chút vốn liếng đạo đức nào để lại cho con cái. Chính những cha mẹ đó cũng lỏng lẻo trong đời sống luân lý: ăn gian, nói dối, làm chuyện bất nhân, coi thường điều tội... Con cái cũng theo gương cha mẹ và còn trổi vượt hơn bố mẹ trong vấn đề làm bậy. Sau cùng chính con cái quay lại phản cha mẹ. Cái luật nhân quả ở đây thấy rất rõ. Nếu cha mẹ muốn con cái có vốn liếng đạo đức, chính bản thân mình phải sống đời đạo đức mới mong truyền đạt gia tài quí hoá đó cho con cái. Ngược lại, nếu cha mẹ sống bê bối, bừa bãi, con cái sẽ theo vết chân của cha mẹ mà còn ghê gớm hơn nữa. Giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu về ý nghĩa của gia đình trong tâm lý con người.
II. Tâm Lý
Gia đình là nguồn gốc phát sinh sự sống con người, theo chương trình của Thiên Chúa. Con người được sinh ra, được vòng tay ấu yếu của cha mẹ săn sóc. Có một huyền thoại rất phổ thông về người rừng mang tên Tarzan. Người ta kể rằng có một cặp vợ chồng nhà truyền giáo đi giảng đạo tại miền rừng rú bên Phi Châu. Không biết vì tai nạn gì đó cả hai vợ chồng đều bị thiệt mạng để lại đứa con mới sinh trong căn nhà giữa rừng. Đứa bé đã được đàn khỉ đem về nuôi và sống giữa chúng như một con khỉ không có lông. Đứa bé lớn lên và trở nên một dũng sĩ, có tài leo cây, đu dây, chạy nhảy, bơi lội... Người rừng này được gọi là Tarzan, sống giữa rừng thoải mái như người ta sống giữa phố. Thật ra theo nghiên cứu của các bác sĩ y khoa cũng như tâm lý, chuyện em bé sơ sinh sống sót giữa rừng nhờ thú rừng nuôi là điều hầu như không thể xảy ra. Cho dù được ăn uống đầy đủ, có hoàn cảnh thể lý thuận lợi, mà không được động chạm, giao tiếp với người khác như người mẹ, người cha, đứa trẻ sẽ chết yểu, hoặc lớn lên với tâm lý bất bình thường.
Vì thế gia đình là điều kiện cần thiết không thể thiếu để con người được sinh ra, và lớn lên cách lành mạnh. Tuy nhiên gia đình không có nghĩa chỉ là chỗ cho cha mẹ con cái về ngủ đêm như cái motel, nhưng phải là nơi chứa đầy tình yêu. Phải có tình yêu, bàn tay, thân thể của người mẹ động chạm vào con trẻ mới có sức nối kết hai mẹ con với nhau từ lúc con chào đời. Phải có tình yêu người cha, người mẹ mới mong sao chóng hết giờ làm việc để về nhà ôm con vào lòng, nhìn con tập tễnh đi những bước đầu tiên, nghe tiếng con cười vang trong trẻo như tiếng pha lê... Không phải chỉ người con được lớn lên trong tình yêu, mà chính người cha người mẹ cũng được nuôi sống nhờ tình yêu của con cái. Khi con cái bước vào trường học, gia đình là sự nâng đỡ, khuyến khích để chúng thăng tiến, phát triển kiến thức. Khi con cái trưởng thành, đến tuổi kết hôn, gia đình là khuôn mẫu để chúng tạo lập cuộc sống gia đình riêng. Xét về thể lý và tâm lý, gia đình là điều kiện căn bản không thể thiếu để con người được sinh ra và lớn lên cách lành mạnh.
Thực tế cho thấy nhiều gia đình ngày nay đang gặp khó khăn vì gia đình không còn là nơi nuôi dưỡng tình thương cho cả con cái lẫn cha mẹ. Con cái vì lý do nào đó coi gia đình như một nơi bị giam lỏng, kìm kẹp, kiểm soát, chỉ mong sớm đến ngày đủ tuổi để thoát ly gia đình. Đối lại cha mẹ coi con cái như những mầm mống hư hỏng nên phải tìm cách nhốt lại cho được yên tâm. Con cái được nên người hay không một phần do Thiên Chúa phú bẩm cho nó tính nết ngoan hiền, dễ dạy, nhưng phần lớn là do cha mẹ để ý gần gũi, theo dõi, hướng dẫn. Nhiều cha mẹ chỉ lo cặm cụi làm ăn, không để ý gì đến con cái nên chúng hư hỏng là kết quả đương nhiên. Có những đứa trẻ tính tình ngỗ nghịch nhưng được thương yêu, hướng dẫn chúng vẫn trở nên những người tốt. Muốn có một đời sống gia đình tốt đẹp trong xã hội ngày này không phải là chuyện ngồi không, nhàn nhã, nhưng đòi hỏi cha mẹ và con cái nhiều nỗ lực. Cha mẹ cần trau giồi tâm tính, nhân đức trong cách đối xử với nhau, với những người khác và với chính con cái để giáo dục chúng bằng chính đời sống của mình. Nếu cha mẹ hiền lành, lịch thiệp, linh hoạt, thì con cái cũng theo gương cha mẹ mà sống. Ngược lại nếu cha mẹ hung hăng, cãi nhau, chửi nhau, đối xử thô lỗ với người khác thì con cái cũng bắt chước y như vậy và chúng sẽ gặp những hậu quả tai hại trong đời sống xã hội. Đây là lý lẽ hiển nhiên, bình thường nhưng có lẽ ít người thực hành. Cha mẹ hay có tiêu chuẩn đôi (double standard), riêng cho mình thì buông thả, tha hồ... làm bậy... còn cho con cái thì rất nghiêm ngặt đàng hoàng: “Tao là người lớn, tao làm được... Mày còn nhỏ, không được làm...” Điều này không có lý lẽ gì cả và chắc chắn không dạy dỗ được con cái. Con cái chỉ nhìn những gì cha mẹ làm khi thấy rằng cha mẹ nói một đàng mà làm một nẻo. Nếu cha mẹ thật sự quan tâm đến con cái hãy sống những điều mình dạy dỗ.
Thế Nào Là Gia Đình Hạnh Phúc?
Hai bà mẹ ngồi tâm sự “ruột gan” với nhau. Bà thứ nhất nói rằng:
- Bà biết không, đứa con gái của tôi thật là hạnh phúc. Nó lấy được thằng chồng thương nó vô cùng. Chồng nó chẳng để nó phải động tay đến việc gì. Nó đi làm về là có quyền ung dung ngồi xem phim Tàu. Chồng nó đi làm về là xông thẳng vào bếp nấu nướng. Xong xuôi đâu đó chồng nó mời nó ăn. Ặn xong chồng nó mời nó quẳng bát đĩa đó lên luyện chưởng tiếp. Rồi weekend đến, nó ngủ đến híp hai con mắt lại, mười một, mười hai giờ mới thức dậy rồi ung dung đi shopping đến chiều tối mới về ăn cơm. Chuyện dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo chồng nó lo hết. Thiệt là... không biết con gái tui tu được mấy kiếp mà kiếp này sướng như dậy.
Bà kia nghe đến đây lắc đầu thở dài thườn thượt nói rằng:
- Nghe bà kể, tui lại thấy tủi cho thằng con trai của tui. Nó thiệt là bất hạnh, lấy phải con vợ lười như hủi. Hết luyện chưởng lại lăn quay ra ngủ như con heo, chẳng có động tay vào việc gì. Nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ thằng con tui phải làm hết.
Thật ra hai bà này là xui gia với nhau.
Hạnh Phúc Là Gì?
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy hạnh phúc của người này có thể là nỗi bất hạnh của người kia. Điều này rất rõ ràng trong đời sống gia đình. Nếu người chồng chỉ ung dung ngồi xem TV sau khi đi làm về, lấy cớ rằng cần nghỉ ngơi, bao nhiêu công việc nấu nướng, chăm sóc cho con cái... dồn hết cho người vợ, thì cái sướng của chồng đưa đến gánh nặng, đau khổ cho người vợ; hoặc ngược lại. Vậy hạnh phúc là gì? Làm thế nào để được hạnh phúc? Đây là hai câu hỏi khó trả lời mà có lẽ nhiều người từng băn khoăn. Tôi không quả quyết mình có câu trả lời, nhưng chỉ muốn gợi ý để quí độc giả góp thêm ý kiến.
Trước hết chúng ta cần phân biệt hạnh phúc với sung sướng. Sung sướng là cảm giác dễ chịu mà con người có được trong một lúc nào đó, do một nguyên nhân bên ngoài đưa đến. Đây là cái sướng của một chàng bợm nhậu: ngồi rung đùi bên bàn ăn có đĩa tiết canh dê với chai XO thượng hạng, lại có một đám bạn hiền bu quanh cười ầm ĩ như pháo nổ ngày Tết. Cái sướng của đứa trẻ hai, ba tuổi là có que kẹo lolipop chấm mút ngọt lịm.
Hạnh phúc là trạng thái nằm sâu trong con người mang tính chất lâu bền sâu sắc hơn cảm giác. Đứa bé được mẹ ôm vào lòng “mi” một cái thiệt kêu; nó vừa cảm thấy sướng, vừa thấy hạnh phúc vì nhận ra mình được yêu thương. Nụ hôn là động tác diễn tả tình yêu. Môi người mẹ chạm vào làn má em bé khiến em dễ chịu vui sướng, nhưng nhận thức được tình yêu người mẹ bao bọc mình khiến em bé được hạnh phúc.
Cảm giác sung sướng và hạnh phúc có thể không đi đôi với nhau. Mấy người làm đệ tử cho “khói tiên”, chuyên môn phê thuốc phiện, cần sa, ma túy, cocaine... có thể cảm thấy sướng trong một lúc ngắn ngủi, nhưng cuộc đời của họ không có hạnh phúc. Họ chui rúc vào só xỉnh để phê vì sợ cảnh sát biết cho vào tù bị muỗi chích ngứa thấy mồ tổ, sợ người thân, gia đình biết được sẽ mắng nhiếc, ruồng bỏ, sợ ông chủ ông cai biết được sẽ mất job thơm. Khi vướng mắc vào những thứ đó người ta không dứt bỏ được, luôn luôn phải cần đến nó với số lượng gia tăng mỗi lần. Nhiều người trở thành như đồ phế thải, sống lang thang vất vưởng ngoài đường phố, ăn xin, trộm cắp lặt vặt kiếm tiền mua thuốc phê. Những chất thuốc này đầu độc người ta đến chết dần chết mòn. Họ có thể cảm thấy sướng trong một lúc nhưng cuộc đời thật bất hạnh.
Đối lại nhiều người mang bệnh tật, đau đớn trong thân xác nhưng họ thấy cuộc sống hạnh phúc vì tình yêu Chúa Kitô chịu tử nạn trên thánh giá. Các thánh Tông Đồ, các thánh tử đạo đã chịu đánh đập, tra tấn, hành hình, nhưng các ngài cảm thấy hạnh phúc vì được làm nhân chứng cho Chúa Kitô, được nên giống Thày Chí Thánh.
Từ những nhận xét trên chúng ta có thể định nghĩa hạnh phúc là sự trọn vẹn nhu cầu tinh thần và tâm linh nơi con người. Thiên Chúa dựng nên con người có hồn có xác. Thân xác có những nhu cầu để sinh tồn phát triển như ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động... Khi được ăn uống đầy đủ ngon lành người ta thấy sướng trong một lúc. Khi nhu cầu của thân xác được đáp ứng, người ta thấy sướng, cảm thấy dễ chịu trong thân xác. Linh hồn cũng có nhu cầu để sống cách trọn vẹn. Hai tài năng của linh hồn là trí khôn (mind) và lòng muốn (will). Nhu cầu của trí khôn là biết sự thật, nhu cầu của lòng muốn là chiếm hữu sự thiện mỹ, tức là những điều tốt đẹp. Con người được hạnh phúc khi những nhu cầu của trí khôn tức là lòng khao khát biết sự thật được trọn vẹn. Trí khôn ham hiểu biết được thoả mãn khi đến trường học hỏi về đời cũng như về đạo, khi đọc sách để mở mang kiến thức về các phương diện, khi xem tin tức trên TV, trên báo chí hoặc trên Internet... Kiến thức giúp người ta có khả năng làm việc trong những ngành chuyên môn, phát triển trọn vẹn tài năng Thiên Chúa phú bẩm cho từng cá nhân.
Lòng muốn khao khát sự tốt đẹp. Vẻ đẹp đó có thể là vẻ đẹp vật chất của thiên nhiên, của con người... cũng có thể là vẻ đẹp tinh thần như của nhân đức, của tâm hồn cao thượng, tình yêu giữa cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, tình nhân... vẻ đẹp của những việc bác ái quảng đại, của một lý tưởng phục vụ quốc gia, dân tộc hoặc phục vụ cho Giáo Hội, cho Thiên Chúa... Để thoả đáng những nhu cầu của lòng muốn đòi hỏi thời gian và sự trung thành của lòng muốn. Càng chiếm được nhiều vẻ đẹp trên, con người càng thấy hạnh phúc. Khát vọng sau cùng của lòng muốn là chính sự thiện mỹ vô cùng nơi Thiên Chúa, được đáp ứng phần nào ở đời này, nhưng chỉ được trọn vẹn đời sau. Đó là hạnh phúc tuyệt đối không bao giờ suy giảm hay chấm dứt.
Gia Đình Hạnh Phúc
Gia đình là nơi con người được sinh ra và lớn lên trong tình yêu. Gia đình là một cộng đồng tình yêu làm hình bóng chỉ về Chúa Ba Ngôi. Sứ mệnh của gia đình là đem lại tình yêu cho mọi phần tử trong gia đình. Như Chúa Ba Ngôi, tình yêu phải phát sinh từ trong mọi phần tử của gia đình. Trên căn bản tình yêu mọi người trong gia đình cung cấp cho nhau những nhu cầu trong thân xác và trong tinh thần.
Vì yêu thương cha mẹ cung cấp cho con cái đồ ăn thức uống, áo quần, sự học hành, kiến thức, tiền bạc... Khi sinh con ra, người mẹ tự động lo việc bú mớm cho con. Không phải chỉ sau khi sinh con ra, ngay khi mang thai con, người mẹ đã phải tiêu hao chính thân thể của mình để cho bào thai lớn lên. Cha mẹ không chỉ cung cấp cho con cái những nhu cầu thể chất, nhưng cả nhu cầu tinh thần. Cha mẹ dạy cho con biết nói chữ “ba”, “má”, “ông”, “bà”, biết “Ạ Chúa”, “Ạ Đức Bà”... Cha mẹ gửi con đến trường đời cũng như trường đạo để học biết nên người, biết sống đức tin. Cha mẹ phải lo cho con được lớn lên cả trong thân xác lẫn tinh thần, để khi trưởng thành con trở nên một con người tốt, có khả năng để sống tự lập.
Cha mẹ không phải là “superheroes”, chỉ lo cung cấp cho con cái, không cần đón nhận điều gì. Cha mẹ cũng có nhu cầu được yêu thương, được hiểu biết về con cái của mình, được có những người con tốt lành, ngoan ngoãn, học giỏi, thành công trong trường đời. Đó là những điều con cái cần cung cấp cho cha mẹ.
Giữa hai vợ chồng với nhau cũng có những nhu cầu về thể chất cũng như tinh thần. Tình yêu là căn bản đưa hai người đến hôn nhân. Tình yêu mãi mãi là căn bản đòi buộc người vợ, người chồng lo thoả đáng nhu cầu của nhau. Bí tích hôn phối nhắm đến mục đích là cả hai vợ chồng được phát triển toàn diện về thể lý cũng như tâm linh. Người vợ, người chồng có trách nhiệm giúp nhau đạt tới điều đó. Một điều thực tế có thể thấy nơi một vài gia đình. Khi mới lấy nhau cả hai vợ chồng đều chưa có bằng đại học. Người vợ hy sinh đi làm để chồng đi học cho đến khi tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư. Sau đó chồng đi làm việc để cho vợ có thời giờ đi học lấy được mảnh bằng đại học. Những trường hợp này nói lên được ý nghĩa vợ chồng tương trợ nhau trong việc phát triển tài năng cá nhân đến mức trọn vẹn. Sự tương trợ, nâng đỡ nhau không chỉ giới hạn trong việc học hành, nhưng bao trùm mọi phương diện của cuộc sống. Sự tương trợ nhau cũng đòi hỏi người chồng, người vợ nói cho nhau biết những tật xấu, điều sai lỗi và khuyên bảo nhau sửa đổi. Nếu hai người có thể dễ dàng chấp nhận lời khuyên bảo, sửa sai của nhau thì việc giúp nhau thăng tiến trong các phương diện khác cũng xuôi thuận. Điều quan trọng nhất là vợ chồng phải giúp nhau thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, trong mối dây liên hệ với Thiên Chúa, trong đời sống cầu nguyện. Đây chính là nền tảng để xây dựng một đời sống gia đình hạnh phúc. Tóm lại gia đình hạnh phúc là gia đình cung cấp cho mọi phần từ những nhu cầu về thân xác cũng như linh hồn.
Đời Sống Thực Tế
Trong khi phục vụ giáo xứ Việt Nam, tác giả nhận ra nhiều thực tế khác nhau về hạnh phúc gia đình. Phẩm chất cá nhân của người cha, người mẹ trong gia đình nắm vai trò then chốt đem lại hạnh phúc cho gia đình. Một người cha tận tụy lo cho vợ con, chăm chỉ làm ăn, sống đời sống đức tin tốt lành, một người mẹ biết chú ý khuyên răn dạy dỗ con cái; bà nhận ra và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con cái, đồng thời cương quyết hướng dẫn chúng trong những đòi hỏi không chính đáng. Khi cha mẹ tốt lành biết để ý hướng dẫn giáo dục con cái, giữ gìn con cái khỏi bạn bè xấu, chúng có nhiều cơ hội để trở nên người tốt. Đó là gia đình hạnh phúc.
Ngoài ra có những gia đình gặp những thánh giá lớn, có con sinh ra tàng tật, yếu liệt. Người mẹ nhẫn nại săn sóc con từng ly từng tí mà không than van, quản ngại điều gì, sẵn sàng chấp nhận người con ấy như món quà Chúa ban. Có thể bên ngoài người ta cho rằng gia đình đó bất hạnh, nhưng thực ra họ thật hạnh phúc vì trong cái cực nhọc, tình yêu của mọi người trong gia đình dành cho nhau tiến trên mức độ cao, vượt trên mức độ hời hợt dễ dãi cảm tình.
Ngược lại, có nhiều gia đình giầu có, tiền bạc thừa thãi nhưng không có hạnh phúc vì cha mẹ lo làm ăn, sáng tối chỉ lo cửa tiệm, bỏ mặc con cái hư hỏng, lêu lổng đi theo băng đảng. Nền tảng đức tin không có làm sao cha mẹ truyền đạt lại cho con cái căn bản để sống tốt lành? Con người không biết làm việc tốt làm sao có hạnh phúc?
Theo ngonnennho.net