Ở vào tuổi 80 nhưng cụ Đặng Thị Sáu ở xóm 6, xã Diễn Cát (Diễn Châu - Nghệ An) vẫn phải gượng dậy nuôi người con trai tâm thần và hai đứa cháu diên dại, èo uột
Ngôi nhà đau khổ
Người xã Diễn Cát vẫn gọi nhà cụ Sáu như vậy. Từ đứa trẻ chăn trâu đến các cụ già biết ngôi nhà ấy bao nhiêu năm nay chứa đựng nhiều đau khổ, nghiệt ngã. Ngôi nhà ọp ẹp nằm lọt thỏm giữa một xóm nhỏ nghèo nàn. Thỉnh thoảng, từ ngôi nhà ấy phát ra những tiếng la hú, đập phá và cả tiếng khóc lẫn tiếng cười khanh khách rờn rợn… Và người đàn bà 80 tuổi ấy lại phải chống chọi với số phận, với những cuộc đời nghiệt ngã.
Lấy chồng năm 18 tuổi, cụ Sáu khi ấy là một cô gái nết na xinh đẹp. Sinh được cho nhà chồng một cậu con trai, niềm vui và hạnh phúc như càng nhân đôi. Họ quyết định đặt tên con là Hoàng Ngọc Cảnh - một cái tên thật đẹp nhưng họ không biết được rằng, đứa con mình sinh ra không bình thường về trí tuệ. Càng lớn, Cảnh càng ngờ nghệch, thậm chí có những lúc biểu hiện như người tâm thần. Nước mắt người mẹ theo đó mà chảy ngược vào trong mong con khôn lớn để bớt đi những ngô nghê.
Trong khi bạn bè cùng lứa nhiều người thành đạt thì Cảnh vẫn mãi là đứa trẻ. Năm 1990, theo gợi ý của họ hàng, cụ Sáu tìm vợ cho con theo cảnh “nồi nào vung nấy”. Cuối năm đó, chị Lê Thị Sương - người cùng xã đã về làm bạn với Cảnh. Chị Sương dù trí tuệ bình thường nhưng lại ốm yếu quanh năm do di chứng chất độc da cam từ người cha. Hai mảnh đời bất hạnh nương tựa vào nhau như chiếc phao mong manh trước sóng vỗ.
Năm 1993, mối tình éo le này “đơm trái” được một sinh linh bé nhỏ. Nhưng bất hạnh thay, nỗi đau da cam đã gieo vào bé gái mới chào đời bằng một dáng hình không bình thường. Cụ Sáu nuốt nước mắt động viên vợ chồng Cảnh, họ đặt tên cháu là Hoàng Thị Quý. Càng lớn, chân tay Quý càng teo tóp, khuôn mặt dài và ngô nghê, miệng chỉ ú ớ không thành tiếng. “Đúng là ông trời đày tôi, Quý nó mang cả tội cha lẫn nợ mẹ…” - bà Quý đau đớn.
Ngày tháng qua đi, niềm hi vọng mới lại được nhen nhóm từ trái tim nhiều vết khứa của người đàn bà đau khổ khi đứa cháu tiếp theo chuẩn bị chào đời năm 1995. Một lần nữa, nỗi đau da cam đem đến gia đình họ sự đắng đót như muốn đánh gục người đàn bà đã sống trọn đời trong nước mắt. Cụ Sáu đặt tên cháu là Hoàng Thị Hoá với mong muốn một ngày nào đó, bất hạnh sẽ được hoá giải, sẽ tan đi như những giọt nước mắt chát mặn.
Vậy là nhà 5 miệng ăn đều trông vào 3 sào ruộng bấp bênh mưa nắng. Cụ Sáu cùng con dâu quần quật ngày đêm làm lụng chắt bóp từng đồng mua thuốc cho chồng cho con. Vì sức khoẻ yếu, lại phải cáng đáng nhiều việc nặng nhọc nên nhoài 30 tuổi chị Sương qua đời để lại gánh nặng trên đôi vai gầy người mẹ chồng ốm yếu.
“Lạy trời không bắt tôi đi…”
Thân như ngọn đèn trước gió mà cụ Sáu vẫn phải còng lưng dưới nắng mưa để kiếm bát cơm nuôi con nuôi cháu. Tài sản lớn nhất của cụ là ngôi nhà cấp bốn tuyềnh toàng, rách nát.
Ánh sáng như vẫn còn le lói khi cháu Hoá có tỉnh táo hơn chị và đỡ bà được vài công việc vặt. Nhưng khó khăn vẫn chồng chất vì giấy tờ kháng chiến của ông ngoại hai cháu đã bị cháy rụi trong những năm tháng chiến tranh.
Đang nói chuyện với khách, bỗng tiếng ú ớ của Quý từ trong buồng vọng ra. Cụ Sáu bỏ dở đứng dậy để vệ sinh cho cháu, cụ cho biết năm nay Quý đã 16 tuổi. Thế nhưng ở tuổi 16 mà mọi hành động của Quý vẫn chỉ là bản năng. Việc vệ sinh thân thể cũng phải đến tay bà nội. Quý chỉ ú ớ, cười khành khạch và đi vệ sinh vào bất cứ chỗ nào trong nhà. Có lẽ vì thế mà ngôi nhà vốn đã ẩm thấp giờ lại thêm mùi tanh tưởi rất khó chịu.
Cụ Sáu mếu máo: “Khốn nạn, bao nhiêu năm nay có ai dám uống với tôi chén nước, ăn với tôi bữa cơm. Mà lâu lắm rồi gia đình tôi không có được một bữa cơm tử tế gọi là…” Nhìn cái dáng chịu đựng của cụ Sáu người ta hiểu rằng, chỉ có tình yêu sắt lòng với cháu con mới giúp cụ đứng vững suốt những năm tháng khổ đau. Cụ đã từng có ý định đem Quý bỏ chợ với hy vọng sẽ có người rước đi. Nhưng chính khi ấy, tình máu mủ lại trỗi dậy, hai bà cháu dắt nhau về mà lòng người bà tê tái.
Cụ Sáu nhìn tôi giọng run run: “Rứa là sống hết khổ rồi đấy cô ơi! Chỉ lạy trời khoan bắt tôi đi chứ không con, cháu tôi biết bấu víu ở mô”. Dường như nước mắt đã chảy hết trong những năm tháng nghiệt ngã mà bấy nhiêu năm nay cụ Sáu gánh chịu nên trong đôi mắt sầu héo ấy, sự hy vọng và niềm tin vào ngày mai là lý do duy nhất để cụ sống. Tôi trộm nghĩ, ngôi nhà đau khổ rồi sẽ ra sao khi một mai người đàn bà đã bước sang tuổi 80 về với tiên tổ.
[You must be registered and logged in to see this image.]